Sản xuất Người phán xử (phim truyền hình Việt Nam)

Theo nhà sản xuất, Người phán xử mất một năm để chỉnh sửa kịch bản, phim được Việt hóa khoảng 50%. Đây là một kết quả của quá trình trao đổi rất kỹ với đơn vị nắm bản quyền để tạo nên được một bộ phim hấp dẫn, phù hợp người xem phim trong nước. Lời thoại phải viết lại khá nhiều, cách nói và suy nghĩ của các nhân vật phải phù hợp với lối sống, văn hóa Việt Nam​. Một số câu thoại được sáng tạo riêng và khác biệt nhiều với cách đối thoại của kịch bản gốc.

Với kịch bản kế thừa Israel, Người phán xử có lối kể truyện hơi khác lạ so với chuẩn thông thường của phim Việt, đôi khi khiến khán giả cảm thấy chưa quen hoặc hơi khó theo dõi. Chưa kể phong cách phim thế giới ngầm của phim cũng được đẩy lên mức tối tăm và u ám hơn nhiều so với những bộ phim cùng thể loại trước đó. Những pha trưng trổ vũ khí nóng, lăm lăm dao kiếm xuất hiện nhan nhản trên màn hình. Đặc biệt, trong tập 1 có cảnh chặt ngón tay được thể hiện rất tường tận khiến nhiều khán giả cho rằng hơi bạo lực với một bộ phim chiếu trên sóng truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, bộ phim không chỉ tập trung nhấn vào những cảnh máu me mà đào sâu các mối quan hệ cùng xung đột tâm lý: Mối quan hệ của Phan Quân với những đứa con, tình duyên vợ chồng của Phan Hải, căn bệnh trầm cảm mà cô dâu mắc phải khi sống trong một gia đình là trụ cột của thế giới đen. Những toan tính, ham muốn của những con người sống trong xã hội vùng biên nơi sáng và tối, thiện và ác hòa vào nhau tưởng bất minh.[1]

Kịch bản của Israel thoải mái hơn, cho nên khi Việt hóa chúng tôi đã giảm cảnh sex rất nhiều. Bối cảnh hành động dính đến bạo lực rất nhiều. Phim truyền hình cho nên chúng tôi tiết chế vừa phải, làm sao vẫn giữ liều lượng nhưng phải đạt hiệu quả nghệ thuật. Thực ra trước khi bắt tay thực hiện chúng tôi nghiên cứu khả năng thực hiện bộ phim này. Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm. Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải công an như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia. Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam. Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn.

Phim hình sự hành động có nhiều tuyến nhân vật đan xen cho nên việc lựa chọn diễn viên phải chuẩn cả về giọng nói cũng là điều khó khăn. Việc một bộ phim có những phân cảnh khai thác câu chuyện nhóm giang hồ, nhân vật xấu phải bộc lộ mức độ phạm tội để luật pháp phải trừng trị thì đương nhiên, phim cần có một số cảnh mô tả cần thiết, không thể né tránh hay cứ tả qua lời thoại được, phải có những cách xử lý khác biệt mới tạo nên tính thuyết phục. Tất nhiên phải hợp lý và phù hợp, phim truyền hình thì càng phải hạn chế so với phim điện ảnh.

— Đỗ Thanh Hải - Nhà sản xuất kiêm biên tập viên

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người phán xử (phim truyền hình Việt Nam) http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/phim/vietnam/4-y... http://m.cand.com.vn/Giai-tri-van-hoa/Toan-canh-Le... http://danviet.vn/giai-tri/10-cau-noi-soi-doi-khie... http://danviet.vn/giai-tri/gay-nghen-song-truyen-h... http://danviet.vn/giai-tri/nguoi-phan-xu-vua-len-s... http://www.tienphong.vn/van-nghe/so-voi-ban-goc-ng... http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170408/co... http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/nguoi-phan-x... http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/nguoi-phan-x... http://vtv.vn/nguoi-phan-xu.html